Cẩu tháp thuộc dòng các thiết bị nâng hạ được sử dụng rất phổ biến trong các công trình xây dựng, đặc biệt là nhà cao tầng. Thiết bị được các đơn vị xây dựng tin tưởng sử dụng bởi khả năng vận chuyển, nâng khối lượng vật liệu lớn, giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động.
Để lựa chọn được cẩu tháp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thi công, người dùng cần biết các thông số kỹ thuật cơ bản để có thể đảm bảo hiệu suất sử dụng cao nhất. Thông số kỹ thuật của cẩu tháp ảnh hưởng rất nhiều đến việc bố trí thi công, năng suất ca máy và đặc biệt là an toàn lao động,vì thế cần tìm hiểu các thông số cơ bản tỉ mỉ nhất.
1. Bán kính (R)
- Khi lựa chọn cẩu tháp cần chú ý tới bán kính của thiết bị, cụ thể gồm 2 vấn đề chính: chiều dài tính toán và diện tích của mặt trận công tác cẩu tháp.
- Đối với những công trình có hình dáng đơn giản chỉ cần bố trí một cẩu tháp tự nâng.
- Còn với những công trình có diện tích lớn, nhiều tầng phức tạp mà cần đẩy nhanh tiến độ thi công thì cần bố trí hai hoặc nhiều cẩu tháp hơn tùy nhu cầu.
2. Sức cẩu (Q)
- Sức cẩu định mức tối đa rất quan trọng, khi thi công nhà bê tông đổ tại chỗ thì dựa vào trọng lượng tối đa của thùng bê tông và tầm với tối đa để xác định sức cẩu cao nhất, thông thường lấy bằng 1,5 – 2,5 tấn.
- Đối với các nhà tấm lớn lắp ghép toàn bộ, biên độ sức cẩu tối đa lấy bằng trọng lượng tấm tường ngoài tối đa.
- Nhà tấm thép thì dựa theo trọng lượng của kết cấu nặng nhất trở thành căn cứ để tính toán.
3. Mô men cẩu (MT)
Khi thi công các nhà cao tầng có diện tích lớn, vật liệu từ bê tông cốt thép thì mô men cẩu khi tầm với tối đa và mô men cẩu khi trọng lượng tối đa phải phù hợp với yêu cầu cụ thể để đảm bảo an toàn và hiệu suất lao động.
4. Chiều cao cẩu (H)
- Chiều cao cẩu là một thông số kỹ thuật quan trọng quyết định hiệu suất lao động khi sử dụng cẩu tháp trong thi công công trình xây dựng.
- Khi mà các thông số khác lý tưởng, tính năng kỹ thuật đảm bảo phù hợp mà chiều cao cẩu không phù hợp thì vẫn không đạt yêu cầu thi công.
- Để xác định chiều cao cẩu hợp lý và tầm với thì phải thông qua sơ đồ thi công và quá trình tính toán để có kết quả chính xác nhất.
5. Tốc độ làm việc
Tốc độ làm việc của cẩu tháp là yếu tố trực tiếp quyết định thời gian nâng vật liệu, khoảng thời gian thiết bị vận hành tối đa, bao gồm: Tốc độ nâng, hạ hàng; Tốc độ quay cần trục; Tốc độ di chuyển; Tốc độ thay đổi tầm với và kích thước bao.
6. Công thức tính năng suất ca máy cần cẩu tháp
Năng suất ca máy P của cần cẩu tháp thường tính toán theo công thức sau:
P = 8 * Q * n * Kq * Kt (T/ca)
Trong đó:
Q – Sức nâng của cần cẩu tháp
n – số lần cẩu trong một giờ
Kq – Hệ số lợi dụng trọng lượng định định mức của cần cẩu tháp, Kq < 1
Kt – Hệ số lợi dụng thời gian công tác: xét về thời gian gián đoạn kỹ thuật khi lập biện pháp tổ chức thi công, do công nghệ thi công và do yêu cầu của mặt trận công tác hoặc do yếu tố môi trường, Kt < 1.